Bạn có ý định làm nghề Barista và đang tìm hiểu các thông tin về nghề Barista là gì, các công việc phải làm cũng như yêu cầu của nghề? Bài viết dưới đây Huongvicafe.com sẽ đưa ra chi tiết các mô tả về nghề Barista và các thông tin liên quan để bạn có thể tham khảo và có cái nhìn toàn diện hơn về vị trí này.
Nội Dung Bài Viết
Nghề Barista là gì?
Barista là chỉ những người làm công việc pha chế cafe. Họ là những nghệ nhân thổi hồn vào các tác phẩm nghệ thuật là những tách cafe mang hình ảnh trang trí vô cùng đẹp mắt và hương vị thơm ngon đúng điệu.
Barista thường đảm nhận vị trí pha chế các thức uống cafe như: Cappuccino, Latte, Macchiato, Latte macchiato, Mocha, Espresso conpanna, cafe Americano, Espresso đá, Espresso Shakerato, Cappuccino đá, Freddo, Mocha đá..
Có rất nhiều người lầm tưởng Bartender là Barista bởi cả hai nghề này đều đảm nhận vị trí trong quầy pha chế. Tuy nhiên, Bartender được biết đến là người chuyên về pha chế các loại đồ uống có cồn như cocktail, mocktail… ở không gian bar, nhà hàng. Còn Barista là người chuyên pha chế các loại thức uống từ cà phê làm việc ở không gian quán cà phê, quán nước,…
8 Công việc mà Barista phải làm
Là một vị trí quan trọng trong cửa hàng cafe, Barista là người quyết định đến độ ngon của đồ uống chính vì vậy Barista gián tiếp ảnh hưởng đến lượng khách của cửa hàng. Với một người Barista tài giỏi, tạo ra những thức uống thơm ngon chuẩn vị sẽ hấp dẫn các thực khách cũng như khiến họ quay trở lại thêm lần nữa, hơn thế là giới thiệu bạn bè, người thân tới quán đông hơn.
Nếu vậy thì Barista chỉ làm công việc pha chế thôi sao? Không, pha chế là một phần công việc của Barista và vị trí này phải làm các công việc khác như:
- Kiểm tra chất lượng nguyên vật liệu, dụng cụ máy móc thiết bị có đảm bảo an toàn và ổn định.
- Kiểm tra nhiệt độ tủ đông, tủ lạnh, điều chỉnh thông số nếu có sai sót, điều chỉnh thông số trên máy xay và cài đặt chế độ, điều chỉnh lượng nhiệt cho máy pha cà phê đạt chuẩn.
- Barista phải biết làm các công việc như phục vụ, tư vấn đồ uống cho khách hàng
- Sáng tạo, pha chế những thức uống mới lạ tạo nên menu hấp dẫn khách hàng.
- Thuần thục các thao tác pha chế, kỹ thuật chuyên môn của Barista như pha cà phê, đánh sữa, tạo hình nghệ thuật, xay cà phê,…
- Đảm bảo vệ sinh các dụng cụ, thiết bị, khu vực quầy trong suốt quá trình sử dụng
- Kiểm tra máy móc, phối hợp với quản lý trong việc bảo trì, sửa chữa máy móc nếu xảy ra sự cố.
- Kiểm tra và lập hóa đơn nhập hàng
Các yêu cầu của nghề Barista
Là một vị trí quan trọng, đảm nhận khá nhiều công việc trong cửa hàng cà phê nên nhân viên Barista cần phải có những tiêu chí, kỹ năng cơ bản để phát triển như:
1. Tính cẩn thận, tỉ mỉ
Cẩn thận và tỉ mỉ là những kỹ năng bắt buộc phải có của người làm nghề Barista. Bởi lẽ trong quá trình làm việc Barista phải cẩn trọng điều chỉnh định lượng và nhiệt độ để mang đến hương vị đặc trưng cho từng thức uống cà phê khác nhau.
Như vậy nếu có bất kỳ một sai sót trong quá trình làm việc như quên điều chỉnh định lượng, nhiệt độ, đánh sữa quá tay sẽ làm hương vị cafe thay đổi và phải bỏ cả tách cafe đó đi.
2. Tính chăm chỉ và kiên trì
Tạo ra một tách cà phê mang hương vị đặc trưng là cả một nghệ thuật không phải một sớm một chiều mà Barista làm được. Chính vì vậy trong quá trình làm việc, phát triển đòi hỏi người làm Barista phải chăm chỉ học hỏi, khám phá và kiên trì tập luyện. Từ đó tạo ra những công thức pha mới lạ hay có những mẹo hay làm nhanh hơn, tốt hơn dựa trên chính những nền tảng có sẵn.
3. Khả năng cảm vị tốt
Khả năng cảm vị là một tiêu chuẩn nâng cao cần có ở một Barista chuyên nghiệp.
Được biết, với khả năng cảm nhận hương vị tốt sẽ giúp Barista nhận định, đảm bảo được các thức uống do mình làm ra đáp ứng được các tiêu chuẩn về hương vị – màu sắc – chất lượng trước khi phục vụ khách hàng.
4. Khả năng sáng tạo
Nghề Barista không chỉ là dừng lại ở cách làm việc, tạo ra những thức uống thơm ngon theo công thức có sẵn. Mà bản thân người Barista phải có những thử nghiệm không ngừng sáng tạo để nâng tầm tay nghề cũng như giúp cửa hàng cà phê cạnh tranh với những đối thủ khác.
5. Năng khiếu
Sẽ rất may mắn nếu Barista có năng khiếu với nghề pha chế và nghệ thuật.
Những khả năng thiên phú sẵn có sẽ giúp Barista phát triển nhanh hơn cũng như dễ dàng sáng tạo được nhiều điều mới lạ hơn.
Lộ trình thăng tiến của một Barista
Không chỉ dừng lại ở những hiểu biết về nghệ Barista là gì? Huongvicafe.com tin rằng bạn còn hơn cả thế. Và sau đây là lộ trình thăng tiến của một Barista để bạn có thể nắm rõ tổng quan về hướng phát triển cũng như những cơ hội trong tương lai bạn có thể đạt được.
- Phụ Bar: Hỗ trợ công việc cho Barista
- Barista: Nhân viên pha chế
- Bar trưởng: Là người hỗ trợ, quản lý, giám sát các Barista
- Giám sát bộ phận pha chế: Là người chịu trách nhiệm kiểm định, chất lượng đồ uống phục vụ khách hàng. Đồng thời có nhiệm vụ phát triển thực đơn, sáng tạo đồ uống mới.
- Quản lý bộ phận pha chế: hỗ trợ việc điều hành, giám sát các hoạt động của quầy Bar, phát triển các chương trình đào tạo nhân sự, lên kế hoạch, phân công nhân sự làm việc.
- Quản lý bộ phận ẩm thực: chịu trách nhiệm về tài chính, phối hợp cùng bếp trưởng điều hành phát triển thực đơn cho doanh nghiệp. Mặt khác quản lý bộ phận ẩm thực còn đảm nhận nhiệm vụ tuyển dụng, khen thưởng, đào tạo, xử phạt nhân viên.
- Giám đốc bộ phận dịch vụ ẩm thực: Là vị trí cao nhất của nghề Barista đảm nhận nhiệm vụ vận hành hoạt động của quán hiệu quả, xây dựng, thực hiện các chiến lược kinh doanh nhà hàng, khách sạn hiệu quả.
Trên đây là các giải đáp về Barista là gì và các thông tin liên quan. Hy vọng rằng bài viết trên sẽ giúp bạn hiểu hơn về vị trí này cũng như có cho mình cái nhìn tổng quan, hướng đi phát triển tốt nhất. Chúc các bạn thành công!